Phật pháp nhiệm màu nên hiểu như thế nào cho đúng

Phật pháp nhiệm màu nên được hiểu như thế nào ? Có phải là khi ta gặp khổ đau rồi lạy khấn Phật phù hộ cho con hết khổ, mọi được ý ” Rồi nguyện ước đó thành sự thật thì ta gọi là Phật pháp nhiệm màu ? Thế trường hợp đã cầu xin mà không được như ý thì coi là không màu nhiệm hay sao. Cùng xosomienbac tìm hiểu thông tin chi tiết. 

Thường thì chúng ta mỗi khi gặp đau khổ sẽ tìm đến của Phật khấn vái : Trường hợp mà được hết khổ, được như ý thì sẽ coi là sự màu nhiệm của Phật pháp, trường hợp nếu như không được như ý, ta lại cho rằng Phật pháp không màu nhiệm hay sao. Bởi vậy cách giải thích này đều không chính xác.

Trước khi nói về vấn đề phật pháp nhiệm màu, hãy nhắc lại về đạo Phật

Đạo Phật là giác ngộ

Chúng ta nên biết rằng, đạo Phật chính là đạo giác ngộ, là phương tiện để đi đến giác ngộ là trí tuệ. Thế nhưng nếu chúng ta thuộc bài nói dễ dàng thì đó mới chỉ là phần ngôn ngữ sẽ chưa thể thấy được tính nhiệm màu của Phật pháp đâu. Để cảm nhận được chúng ta phải dùng trí tuệ quán chiếu sâu sắc, thật sự giác ngộ và sống với nền tảng đó mới thấy được tính nhiệm màu của Phật Pháp.

Người có trí tuệ không hẳn là người lịch lãm, thế nhưng bên trong lại rất sáng suốt, tỉnh táo, luôn kiểm soát được ba nghiệp thân khẩu ý. Ngược lại người hiểu biết lịch lãm nhưng bất giác bị ai đó làm tổn thương sẽ nổi sân la hét như thế thì sẽ không còn lịch lãm nữa, bình tĩnh cũng chẳng còn, ba nghiệp đều bất thiện.

Phật pháp nhiệm màu
Phật pháp nhiệm màu

Đức Phật dạy người tu phải điều phục tâm : Nghĩa là đứng trước một sự việc, một hoàn cảnh nào đó có thể đúng, có thể sai nhưng ta luôn phải ứng xử bằng cặp mắt trí tuệ, có như vậy mới giải quyết được vấn đề tốt đẹp, sẽ không làm khổ mình khổ người. Ngược lại nếu ta không bình tĩnh, bị chi phối bởi tham lam, sân hận thì mọi việc sẽ đổ vỡ hoặc thất bại. Bởi vậy người Phật tử hãy sử dụng trí tuệ của mình.

Có hai loại trí tuệ cơ bản:

Một, trí tuệ hữu sư : Đây là trí tuệ do học hỏi từ thầy bạn, thiện tri thức mà khai mở.

Hai, trí tuệ vô sư : Trí tuệ này có sẵn nơi chúng ta. Thường mình không nhận được trí tuệ vô sư, nên giai đoạn đầu phải do sự chỉ dẫn của Phật, Bồ-tát hay bậc thiện hữu tri thức, chúng ta xoay lại mình, lắng tâm yên định, bỗng nhận lại trí tuệ vốn sẵn có của mình.

Khi đã nhìn được trí tuệ này, ta sẽ thấy cuộc đời đúng như thật, không còn lầm lẫn nữa, nên cũng không còn ưu não trước mọi thành bại, được mất, hơn thua của thế gian, bấy giờ chúng ta sẽ nhận thấy được Phật Pháp nhiệm màu

Khi ta mê chúng ta hành xử như một kẻ điên loạn, không cần biết đến hậu quả, tới khi tình lại thấy mình khổ quá hóa dại. Khi đó ta tìm đến với Phật pháp, chúng ta học Phật, thấm nhuần chánh pháp, chuyển mê sang ngộ. Chuyển những suy nghĩ, những hành động sai lầm sang đúng đắn. Quá trình chuyển đổi nhanh chậm tùy duyên căn cơ sai biệt của mỗi người. Nhưng khí đó tất cả sẽ đều nhận được lợi ích, đều được thăng tiến trong đời sống tâm linh. So sánh với trước và sau khi gặp Phật Pháp ta thấy giá trị của tu tập. như vậy có thế nói Phật Pháp nhiệm màu.

Nhiều người buồn khổ quá muốn tự vận chết cho rồi, nếu lúc đó họ chết đi thì chưa chắc sự việc đã tốt hơn, mà trước tiên là chết trong uất ức tăm tối, như vậy đương sự sẽ chịu khổ, vì tái sanh trong tâm niệm, trong nghiệp thức si mê phiền muộn. Còn nếu như lúc gặp nghịch duyên ta biết dùng sức mạnh tinh thần, lại thêm hỗ trợ của những người xung quanh, xoay chuyển hoàn cảnh, xoay chuyển vấn đề trong cái tâm định tĩnh.

Có những khúc quanh trong đời, đôi khi chúng ta nghĩ đó là ngõ cụt thì bỗng nhiên phí sau mở ra một chân trời sáng. Có những cú sốc tưởng chừng nó đã tiêu diệt mình, nhưng không ngờ chính nó lại đưa ta từ nơi vực sâu đến vùng trời thật cao rộng.

Nhờ đâu ta có được những kết quả diệu kỳ như thế? đó là nhờ Phật Pháp. 

Cũng con người, cũng sự nghiệp, cũng hoàn cảnh như vậy, hồi trước mình cho là làm phiền mình, bây giờ mình thấy bình thường. Nhờ trí tuệ mở ra, ta không rơi vào trạng thái phiền não như trước nữa. Niềm tin nơi giáo pháp cần phải từ sự trải thân mà ra thì mới chân thật. Ít khi nào chúng ta nghe người khác nói mà tin một cách chắc chắn mạnh mẽ. Nhưng một khi chúng ta thể nghiệm được điều gì từ bản thân thì sẽ tin chắc, không nghi. Trong đạo Phật, đức tin quý nhất là tin mình có khả năng giác ngộ thành Phật. Đức tin này tùy theo sự tu tập của mỗi hành giả mà sâu cạn khác nhau.

Theo đó thì biết sự nhiệm mầu của Phật pháp tùy theo trình độ tu tập của chúng ta mà có nhiều cấp độ khác nhau. Chúng ta đừng nghĩ rằng sự nhiệm mầu của Phật pháp là thần thông, hay một thần lực bên ngoài gia bị cho mình. Dù có sự gia bị của Tam bảo, đó cũng chỉ mang tính hỗ trợ thôi. Như tấm gương, thể của nó là thường sáng, dụng của nó là hay chiếu. Khi bụi bám vào, ta thấy như gương bị mờ đi. Thật ra không phải thế. Tuy bị bụi bám, gương vẫn sáng nhưng không chiếu được. Bấy giờ chúng ta lấy khăn lau bụi thì gương sáng lên. Tánh gương tuy sáng nhưng nó không giữ tự tánh. Bụi bám vào, nó cũng không cản. Dùng khăn lau bụi, nó cũng không ngăn. Gương thường sáng nhưng không can thiệp gì đến bụi. Bụi bám thì bám, gương sáng vẫn sáng. Thấy sáng hay không là chuyện bên ngoài, gương không cần biết. Nó chỉ hay sáng một cách tự nhiên nguyên vẹn vậy thôi.

Sự tu tập của chúng ta cũng thế. Dù tâm chân thật luôn luôn sẵn vậy, luôn luôn chiếu soi, nhưng nếu mình không nỗ lực công phu, không siêng năng lau chùi bụi phiền não vọng tưởng thì chẳng thể dùng được ánh sáng của gương. Khăn lau thì người khác có thể đưa cho, nhưng việc lau chính mình phải làm. Thiện hữu tri thức, Phật pháp ví như khăn lau, là phương tiện hỗ trợ, việc tự thân thực tập giống như hành động lau, phải do chính chúng ta đảm đương lấy, không ai thế được.

Nhờ Phật pháp, ta dùng trí tuệ quán chiếu trở lại, biết lời nói kia không thật, mình đang nghe đây tức là đang có cái chân thật, tại sao lại bỏ cái thật chạy theo cái không thật, nên không thèm phiền não với những lời nói ấy nữa. Hết phiền não thì an ổn. Quả thật nhiệm mầu! Sự nhiệm mầu này do ta tu tập mà được, chớ không phải ai ban phát cho. Đó là dùng khăn lau bụi. Khi nghe chỉ biết hay nghe thôi. Nói lời gì cũng chỉ nghe, việc cần giải quyết thì giải quyết, việc không cần giải quyết thì thôi, không đem bỏ vào kho tàng thức làm chi. Như vậy tuy có bụi mà nó không bám vào gương được cho nên tánh sáng của gương vẫn hiển lộ.

Ai nói đúng nói sai chi không biết, mà ta phiền não là ta sai rồi. Nói như vậy không có nghĩa là chúng ta không làm việc, không quan tâm đến trách nhiệm bổn phận của mình. Ta vẫn làm việc, vẫn góp ý khi cần thiết, nhưng nhớ là đừng để tham sân si chỉ đạo, mà làm việc theo sự chỉ đạo của trí tuệ, của tình thương. Khi quý Phật tử thấy con cái phạm sai lầm, không nên nổi sân lên, rồi lấy quyền làm cha làm mẹ rầy la, bắt buộc chúng thế này thế nọ theo ý mình. Hãy ôn tồn kêu con lại, dùng tình yêu thương giải thích cho con hiểu làm như vậy là không tốt. Đưa ra những phương pháp tốt đẹp và dành cho chúng quyền tự do lựa chọn, có sự yểm trợ của cha mẹ cho những định hướng đúng đắn của con, nhất định con sẽ nghe lời cha mẹ.

Cha mẹ luôn là điểm tựa cho con, nhưng phải để chúng đứng trên đôi chân của chúng, đừng có gắn chân mình vào chân chúng. Làm như thế sẽ hư hết một lượt cả hai đôi chân. Quí vị có tôn trọng chúng, chúng mới tôn trọng lại quí vị. Nếu con tiếp tục sai lầm thì con sẽ chuốc đau khổ. Cũng đừng sợ, vì chính khổ đau lại là một bài học lớn, một giá trị không nhỏ giúp cho con thức tỉnh và có kinh nghiệm trên những bước hành trình tiếp theo. Quí vị làm nổi điều đó trong tinh thần tỉnh giác, đừng sân, đừng sợ hãi, đừng chấp con của mình phải tuyệt đối nghe lời mình, nhất định chúng sẽ nhận ra được tấm lòng của cha mẹ, nhận ra được sự cần thiết của cha mẹ. Và như thế dĩ nhiên chúng sẽ vâng lời quí vị.

Trong cuộc sống ai cũng lập kế sinh nhai. Khi làm việc thì tập trung vào việc làm, nhưng làm trong tinh thần tỉnh giác. Công việc tới đâu ứng xử tới đó. Mệt thì nghỉ thở một chút, đừng làm quá sức dễ sinh phiền não. Làm việc một cách tự nhiên, không ưu tư lo lắng, đem đến kết quả rất lớn. Tâm càng định tĩnh, công việc càng thành tựu. Định tĩnh nhưng vẫn có ước tính trong công việc, chứ không phải không. Nhà Phật gọi là chánh niệm trong công việc. Ví dụ khi quí vị lên một kế hoạch nào đó, cứ nghiệm về kế hoạch ấy thật chu đáo thì sẽ thực hiện được kế hoạch tốt. Không phải học Phật rồi, chúng ta cứ ngồi như cây khô, củi mục. Nên nhớ tánh giác hay khởi diệu dụng nhưng mà phải khởi đúng, không được khởi méo mó, đây gọi là diệu dụng. Ngược lại khởi không đúng, khởi méo mó gọi là vọng động.

Xem thêm: Đừng bao giờ khinh thường người khác, đó là ác nghiệp

Xem thêm: Lời Phật dạy về tình yêu và cuộc sống – biết đủ là hạnh phúc

Muốn sống được với cái chân thật, chúng ta phải biết cái gì thật cái gì giả. Giả thì bỏ, thật thì giữ lại. Âm thanh sắc tướng bên ngoài, vọng tưởng ức niệm bên trong, là giả. Tâm hay biết mà không phân biệt đối đãi là thật. Nhận và sống đúng theo lời Phật dạy, chúng ta có thể chuyển cuộc đời đau khổ thành cuộc sống nhiệm màu. Bằng cái nhìn trực giác, chúng ta sẽ luôn thấy, luôn nghe, luôn biết, trôi chảy hồn nhiên không tồn đọng, níu kéo, không nắm bắt cho nên không phiền não khổ đau. Cách sống đó là đã chuyên hẳn cuộc đời, chứ không phải chỉ chuyển một mình mình, chuyển luôn cho mọi người xung quanh. Đó là sức sống mãnh liệt nhất, chân thật nhất không gì sánh bằng.